Chuyển nhà ở Nhật Bản

Kể từ khi sang Nhật đến giờ mình cũng đã trải qua rất nhiều lần chuyển nhà. Vì vậy mình muốn chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển nhà của mình để các bạn sắp tới có dự định thì có thể lên kế hoạch cho mình một cách chi tiết hơn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức của các bạn hơn.

I. Các thủ tục cần làm trước khi chuyển nhà ở Nhật Bản.

1. Cắt hợp đồng nhà.

Ở Nhật thì khi thuê nhà bạn sẽ thường ký hợp đồng là 2 năm với bên cho thuê nhà. Trong hợp đồng này có kèm rất nhiều điều khoản kèm theo trong đó thường có điều khoản đền bù nếu thời hạn chưa hết 2 năm hoặc nếu bạn làm hỏng hóc các đồ dùng, thiết bị có sẵn trong phòng. Vì vậy bạn cần phải báo trước với bên cho thuê ít nhất 1 tháng để cả hai bên cùng có thời gian chuẩn bị.
Bạn cũng nên xem lại các điều khoản trong hợp đồng xem mình có khả năng phải đền bù các khoản nào không, chuẩn bị tâm lý và tài chính thật tốt để trong trường hợp có phải trả tiền cũng không bị bất ngờ.

2. Cắt hợp đồng điện, nước, ga.

Thời điểm thích hợp nhất để gọi điện cắt hợp đồng điện, nước, ga là vào sát ngày bạn chuyển nhà. Bạn sẽ gọi điện thông báo với bên mình ký hợp đồng(số điện thoại của họ thường có trên hóa đơn thanh toán hàng tháng), để thông báo là mình sẽ dừng sử dụng điện nước ga từ ngày bao nhiêu. Bạn mình gọi điện thông báo từ đầu tháng rằng cuối tháng chuyển nhà mà không hiểu sao bên cung cấp dịch vụ họ đã cắt từ sớm làm cho bạn mình phải sống trong bóng tối và không có nước, ga, phải đi ở nhà nhà bạn một thời gian.

Vì việc hủy hợp đồng này bạn có thể chỉ cần gọi điện thoại nên sau khi chuyển nhà xong thì bạn gọi hủy hợp đồng cũng được. Bạn cần thông báo với họ địa chỉ mới hoặc nếu về Việt Nam thì có thể gửi nhờ địa chỉ nhà bạn để họ gửi hóa đơn thanh toán của tháng cuối.

3. Thông báo với chính quyền về việc đổi địa chỉ của bạn.

Giống với Việt Nam thì bạn cần khai báo tạm trú , tạm vắng khi chuyển địa chỉ đến nơi ở mới. Tùy vào việc bạn đổi địa chỉ trong cùng một quận, thành phố hay là bạn chuyển sang một quận, thành phố khác nhau.
Nếu trong cùng một quận thì bạn chỉ cần đi đến Shiyakusho hoặc Kuyahusho để thông báo việc đổi địa chỉ. Còn nếu khác quận, thành phố thì bạn cần đến nơi ở hiện tại để thông báo cắt địa chỉ, chuyển nhà. Sau đó đến chính quyền nơi ở mới để thông báo nhập địa chỉ nhà vào.
Do tình hình dịch bệnh nên mình thấy một số nơi cho phép bạn làm thủ tục này qua thư. Bạn có thể tra trên mạng hoặc gọi điện để xác nhận lại xem có thể gửi qua thư được không nhé.

4. Thông báo với các bên mà bạn đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với họ về việc chuyển nhà của bạn.

Ngoài chính quyền và bên cho thuê nhà thì khi ở Nhật Bản bạn còn có thể ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với các bên khác như mạng internet, điện thoại, ngân hàng, bưu điện … Vì vậy nếu bạn cũng cần thông báo với họ về việc đổi địa chỉ của mình.

5. Sắp xếp đồ đạc để chuyển nhà.

Tùy vào số lượng đồ đạc bạn cần chuyển đi, bạn có thể lựa chọn rất nhiều cách thức chuyển nhà như là tự chuyển đồ, nhờ bạn bè giúp đỡ, thuê bên vận chuyển …

Đồ đạc thì bạn có thể sắp xếp vào valy, thùng giấy để tiện cho lúc vận chuyển, bưng bê.
Link mua thùng giấy.
Link mua băng dán.
Link mua bọc chống sốc để bảo quản đồ dễ vỡ.

6. Dọn dẹp nhà cửa, vứt rác.

Dọn nhà: Nếu ra khỏi nhà ở Nhật Bản thì bạn cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, kiểm tra lại nhà cửa xem có chỗ nào hoặc thiết bị của bên cho thuê bị hư hỏng không. Việc này có thể giúp bạn tránh bị mất thêm tiền mà ngược lại còn có thể nhận lại một khoản tiền nhất định. Ví dụ mình ký hợp đồng bảo hiểm nhà 2 năm nhưng mới chỉ ở có 1 năm thì chuyển nhà mới, lúc này hình được trả lại một nửa số tiền bảo hiểm đã đóng.
Vứt rác: Đối với các loại rác sinh họa hằng ngày như rác cháy được và rác không cháy được thì bạn vứt như bình thường. Còn rác có kích thước lớn như chăn, nệm, tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng… thì cần phải nhờ các bên thu gom rác và phải trả phí vứt rác cho họ.
Bên Nhật thì việc xử lý rác khá là phức tạp. Nên nếu không dùng nữa thì để tiết kiệm chi phí, bạn có thể cho đồ những người xung quanh. Ngoài ra thì trong tháng chính quyền nơi bạn sống sẽ thu gom rác có size to, bạn cần đăng ký với bên quận để chọn ngày vứt và mua tem dán vào đồ cần vứt.
Từ khóa: 粗大ゴミ + nơi bạn sống.

7. Chuyển nhà.

Vận chuyển nhà bên nhật cũng rất tiện lợi và đơn giản. Nếu sử dụng dịch vụ chuyển nhà trọn gói của Nhật Bản thì bên vận chuyển sẽ đến nhà bạn, đóng gói, vận chuyển đồ đạc cho bạn và sắp xếp lại ở nhà mới cho bạn luôn nếu bạn có nhu cầu.

Nếu ở một mình, đồ đạc chỉ có vài cái valy và thùng đồ thì bạn có thể sự dụng dịch vụ chuyển đồ của yamato, giá trung bình khoảng 2000 yên một kiện. Ngoài ra thì cộng đồng người Việt Nam ở bên Nhật Bản cũng rất đông, và cung cấp dịch vụ chuyển nhà ở Nhật Bạn với giá cả rẻ và tiện hơn rất nhiều.

II. Thủ tục sau khi chuyển nhà ở Nhật Bản.

1. Khai báo xin chuyển đến nhà mới.

Bạn cần đến Kuyakusho hoặc Shiyakusho của nhà mới để khai báo thủ tục chuyển đến. Nếu địa chỉ nhà cũ và nhà mới trong cùng một khu vực thì bạn có thể làm thủ tục khai báo chuyển đi và chuyển đến cùng một lúc. Còn không thì bạn sẽ phải mất thời gian đi 2 lần để khai báo. Hiện nay các cơ quan chính quyền có làm thêm vào ngày thứ 7, các bạn có thể xem thông tin để tiện cho việc đi lại.

2. Đăng ký hợp đồng điện, nước, ga.

Bạn cần gọi điện đến các công ty cung cấp điện, nước, ga nơi bạn sinh sống để đăng ký sử dụng dịch vụ. Việc này nên làm càng sớm càng tốt vì nó là các nhu cầu thiết yếu

3. Trường hợp có bằng lái xe ô tô.

Nếu bạn có bằng lái xe ô tô thì bạn cần đến sở cảnh sát địa phương để đăng ký chuyển địa chỉ. Bạn chỉ cần đến sở cảnh sát của nơi chuyển đến để khai báo đổi địa chỉ thôi.

Thủ tục bảo lãnh xin Visa gia đình.

Be the first to comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *